Gia đình!

Không biết từ lúc nào gia đình chúng tôi bắt đầu chia cách và phân ly! Và từ chia cách bất đồng, đến chia rẻ, xa lánh và hận thù nhau chỉ cách một bước! Đến nổi một người phải thốt lên: Giờ chỉ có đám ma là tụi mình mới gặp được nhau. Ngay cả đám cưới cũng so đo tính toán, đi hay không nếu có đám này người nọ! Ở đây tôi không nói tới gia đình nhỏ mà là ‘đại gia đình’, những người cùng chung một gốc tổ, đến từ cùng một quê hương. 40 năm trước (đầu thập niên 80), khi một người, một gia đình qua đến là cả dòng họ đến thăm, dù Đông hay Tây (Paris) dù xa hay gần. Có người, những ngày cuối tuần (WE) lái xe cả trăm cây số từ tỉnh lên để gặp mặt. Bia rượu tràn lan, chuyện trò thâu đêm suốt sáng. Và những ngày Tết thì ơi ới gọi nhau để họp mặt. Ngay cả những bà con Tây Tàu cũng lân la đến chia vui, bị lôi cuốn bởi cái hiếu khách, cái hào sảng rộng rải của đám bà con ‘tỵ nạn’, nhất là cách ‘biết ăn biết sống’ của thế hệ chú bác Sài Gòn xưa…Rồi khi có việc làm thì cũng ơi ới gọi nhau để chia công sẻ việc.*Và người nào may mắn mua hay thuê được nhà thì cả đám kéo lại để phụ giúp sơn sửa** Rồi những cuộc họp mặt ngày lễ hay cuối tuần kéo dài không dứt. Điều đáng nhớ nhất là bất cứ giờ nào bạn bè anh em ghé đến là đều có cái ăn cái uống. Đó chính là đặc điểm của Sài Gòn và lục tỉnh miền Tây . Một thời gian sau thì lại mệt vì thi nhau mà cưới mà hỏi . Lại rầm rộ hát ca và ăn nhậu.

Rồi chớp mắt thì đã tới thập niên 90 với hệ lụy con cái và khang trang nhà cửa cùng với những biến động Thiên An Môn, Bức tường Bá Linh và Chiến tranh Iraq.

Nhưng phải thành thật mà nói, những biến động chỉ thoáng qua trong tôi vì phải ngụp lặn trong thì cử và việc làm! Tuổi càng lớn thì đầu ốc càng chậm lụt và lại phải càng xa thành phố và vùng ven để có được một những việc làm ổn định Từ dạo đó tôi ít tới lui với gia đình và đồng hương trừ những dịp lễ tết lớn . Và rồi khi có cơ hội trở về lại thành phố thì lại nổi máu giang hồ phiêu lưu ký, xách gói bôn ba khắp nước Pháp, rồi Mỹ châu, Âu Châu, rồi đến châu Á, châu Phi, cũng như len lõi khắp hàng cùng ngõ ngách của kinh đô ánh sáng.

Ở đây cũng xin mở ngoặc là việc làm và chỗ ở xa xôi thì cũng là một lý do để xa mặt cách lòng .Nhưng lý do đó không đủ để làm người ta ganh ghét, đố kỵ và khích bác nhau.

Rạn nứt đầu tiên đến từ sự ra đi của một vài trụ cột của đại gia đình, bởi dù ở bất cứ nơi đâu thì vòng sinh tử cũng sẽ một ngày đưa mọi người về hư vô Nếu ai đã có đọc 3 quyển Đất Lành (Terre Chinoise, The Good Earth) của văn hào Pearl Bucks thì sẽ thấy sự đố vở đó đã xây ra khi ông Vương Long nằm xuống thì đại gia đình bắt đầu ly tan.

Riêng bản thân tôi thì sau một thời gian trôi nổi thì cũng bắt đầu vướng vào vòng bệnh lão. Thế là tạm ngưng bước giang hồ và tới lui bác sỉ, nhà thương. Và rồi thỉnh thoáng lại tới đám (buồn) của một vài cổ thụ rụng rơi và đám (vui) của những hậu duệ. Hậu duệ thì thấy nhưng mặt trời thì không. Hơn phân nửa đã không nghe và hiểu tiếng mẹ đẻ thì nói gì đến mặt trời và mặt trăng. Và buồn hơn nửa là chính đám hậu duệ này cũng là một nguyên nhân của sự hơn thua và đố kỵ của thế hệ cha anh. Bằng cấp và việc làm đồng luong của đám trẻ cũng là một lý do xung đột mà tôi được biết sau này. Đó là tôi chưa nói tới chính chị chính em và hào quang rực rỡ của ảo tưởng quyền lực…thêm sức nặng ngàn cân của kim tiền…Từ mặc cảm hơn thua dẫn tới ganh ghét và khích bác hận thù hoặc xa lánh thì chỉ cách 1 gang tay. Cho nên không lấy gì làm lạ từ chuyện gia đình mà so ra xã hội lớn ; nhất là khi nhìn qua Đế quốc Mỹ, nơi có 1 cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới đồng thời lại chồng lớp nhiều làn sống di dân và tỵ nạn từ gần 50 năm qua, thêm mạng xã hội và tin học cực kỳ phát triển; tự do gần như tuyệt đối về truyền thông và ngôn luận nên không lạ gì khi báo chi và truyền hình Việt ngữ mọc lên như nấm và đấu đá cộng đồng thì ngày đêm không dứt . Rồi ngẫm người thì lại nghĩ đến ta, đại gia đình ta, thì cũng dễ hiểu thôi. Cái ‘tôi ‘ của ai cũng quá lớn nên đôi khi trở thành cái tội….Cái tội đó chỉ biển mất khi bi đè bẹp bởi nghèo đói bệnh tật hoặc chiến tranh khổ nạn..Cũng như trên 1 chiếc tàu lênh dênh thì giúp nhau chèo chống. Đến được bến bờ rồi thì dắt díu nhau để ổn định nhưng khi đã vượt qua được 2 tầng cơm no áo mặc thì chúng ta lại bỏ qua tầng 3,4 của Kim tự tháp Maslow và đều muốn lên thẳng tầng 5 của tháp này…Điều này cũng dễ hiểu nếu áp dụng cho nhiều dân toc chậm tiến khác..đói thì phải kiếm ăn khát thì phải tìm uống…lạnh thì trùm, mưa bão thì núp. .không muốn cũng không được…Đó là tầng 1,2..đến tầng 3,4 thì không ai bó buộc ai…vui làm buồn nghĩ…cho nên thôi làm chi cho mệt vì đã khổ cực nhọc nhằng quá nhiều rồi, quá lâu rồi nên thôi phóng thẳng lên tầng 5 là xong …Còn về phần các hậu duệ thì ì ạch lên đến kỹ sư bác sỉ rồi thì cũng è ra đó. Cho nên không la gì khi ‘sỹ’ thì đầy rẫy trong công đồng Á châu nói chung nhưng những thành tựu to lớn hoặc đột phá thì là ‘con số không’ trong nhiều lĩnh vực so với người Tây phương.

Nhưng rồi trăn quá trở lại thì tôi thấy cũng may là vì cộng đồng không lớn lắm*** và đại gia đình không quá nhiều quá đông nên không có nhiều tầng lớp di dân chồng chất hổn tạp và những đấu đá chỉ giới hạn trong xó nhà góc bếp hoặc cùng lắm trên vài trang Facebook chứ không đến nổi ầm ỉ trên báo chí truyền thông hoặc lôi nhau ra tòa như bên kia đại duong. Nhưng được này thì mất kia, một cộng đồng nhỏ bé thiếu lý tưởng và đoàn kết thì sẽ bị hòa nhập và tan loãng trong xã hội định cư mới này không sớm thì muộn thôi. Tôi đã thấy điều đó qua hình ảnh của đám con cháu của đại gia đình tôi cũng như tôi đã nghe nhiều cảnh báo của thế hệ đàn anh về sự phân hoá trong thời gian không xa của cộng đồng người Việt bên kia bờ Đại dương nếu mỗi cả nhân không tự nhận thức và thay đổi được những thói hư tật xấu mà các cụ Phan Chu Trinh và Trần Trọng Kim đã có nhắc đến từ thế kỷ trước rồi .

Paris tháng 1, 2024

* Thập niên 80 nước Pháp bắt đầu xuống dốc do chính sách xã hội quá độ của chính phủ cánh tả Mitterand. Việc làm bắt đầu khan hiếm, nếu không có quen biết hoặc tay nghề hay bằng cấp cao thì khó mà tìm được một công việc khá khá và ổn định

**Thời đó tiền lời vay mua nhà là từ 10% trở lên, cho nên những người Việt tỵ nạn đầu tiên mua được nhà là cả một thành tích. Ngày cả thuê nhà bên Pháp cũng cần có tiền lương ổn định và đôi khi phải có người đứng ra bảo lãnh

***Người Pháp không có thống kê công khai về nguồn gốc của người Pháp gốc Việt. Ấn hay Châu Phi, Đông Au … Nếu là quốc tịch Pháp là người Pháp (còn có sự kỳ thị hay không là tuỳ đối tượng, không tránh khỏi được ) Nhưng theo 1 vài YouTuber thì cách đây 10 năm có khoảng 300 ngàn người Pháp gốc Việt và một số không rõ những người Việt (Việt kiều) nhập cư, định cư hoặc đoàn tụ gia đình sau 1990

Đăng bởi Huongsacvn

Quản trị viên.

Bình luận về bài viết này